CÁC PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TRÊN TỜ KHAI HẢI QUAN NHẤT ĐỊNH PHẢI NẮM RÕ!

Các phương thức thanh toán trên tờ khai hải quan được quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại thông tư số 38/2015/tt-btc ngày 25 tháng 3 năm 2015 của bộ trưởng bộ tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cụ thể, các phương thức thanh toán trên tờ khai hải quan được nêu rõ tại “Phụ lục 1, mục 1.43: Phương thức thanh toán” như sau:

  • “BIENMAU”: Biên mậu
  • “DA”: Nhờ thu chấp nhận chứng từ
  • “CAD”: Trả tiền lấy chứng từ
  • “CANTRU”: Cấn trừ, bù trừ
  • “CASH”: Tiền mặt
  • “CHEQUE”: Séc
  • “DP”: Nhờ thu kèm chứng từ
  • “GV”: Góp vốn
  • “H-D-H”: Hàng đổi hàng
  • “H-T-N”: Hàng trả nợ
  • “HPH”: Hối phiếu
  • “KHONGTT”: Không thanh toán
  • “LC”: Tín dụng thư
  • “LDDT”: Liên doanh đầu tư
  • “OA”: Mở tài khoản thanh toán
  • “TTR”: Chuyển tiền bồi hoàn bằng điện.
  • “KC”: Khác (bao gồm cả thanh toán bằng hình thức TT)

Lưu ý:

  • Trường hợp thanh toán các hình thức khác hoặc kết hợp nhiều hình thức thì nhập mã “KC” đồng thời khai phương thức thanh toán thực tế vào ô “Phần ghi chú”.
  • Trường hợp người khai hải quan là chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan thì phương thức thanh toán khai “Khong TT”.

Giải thích chi tiết các phương thức thanh toán trên tờ khai Hải quan theo thông tư 39

BIENMAU – Biên mậu

Thanh toán biên mậu là hoạt động thanh toán trong mua bán trao đổi hàng hoá và dịch vụ qua biên giới giữa thương nhân hai nước có chung đường biên giới theo quy định tại hiệp định về mua bán trao đổi hàng hoá ở vùng biên giới giữa chính phủ của hai nước.

DA – Chấp nhận thanh toán khi nhận chứng từ

Phương thức thanh toán dạng này trên các tờ khai Hải quan được sử dụng trong trường hợp mua hang trả tiền sau. Ngân hàng chỉ trao bộ chứng từ gửi hàng cho người mua đi làm thủ tục nhận hàng khi người này ký chấp nhận thanh toán lên hối phiếu do người bán ký phát. Đến thời hạn thanh toán, người bán sẽ xuất trình hối phiếu đã được ký chấp nhận cho người mua để yêu cầu thanh toán.

CAD – Trao chứng từ trả tiền ngay

Phương thức trao chứng từ trả tiền ngay – Cash Against Documents. CAD là phương thức thanh toán trong đó, người nhập khẩu yêu cầu một ngân hàng mở một tài khoản để thanh toán tiền hàng cho người XK khi người XK đã giao hàng và xuất trình đầy đủ chứng từ.

CANTRU – Cấn trừ, bù trừ

Bù trừ công nợ có nghĩa giữa hai đơn vị giao dịch mua bán với nhau và cung cấp hàng hóa lẫn nhau khi đó các đối tượng vừa là người bán đồng thời cũng là người mua >>> lập biên bản bù trừ công nợ để cấn trừ cho nhau.

CASH – Tiền mặt

Thanh toán bằng tiền mặt là phương thức thanh toán trong đó người nhập khẩu dùng tiền mặt để trả cho người xuất khẩu. Phương thức này ít được sử dụng trong thanh toán quốc tể, chỉ sử dụng trong trường hợp mua bán qua biên giới.

CHEQUE – Séc

Là một phương tiện thanh toán được sử dụng rộng rãi trong các nước có hệ thống ngân hàng phát triển cao. Séc được dùng trong thanh toán nội địa cũng như trong thanh toán quốc tế về hàng hóa, dịch vụ cũng như các chi trả phi mậu dịch khác.

DP – Nhờ thu kèm chứng từ

Phương thức thanh toán này sử dụng trong trường hợp mua hàng trả tiền ngay, ngân hàng sẽ trao bộ chứng từ cho người mua để đi làm thủ tục thông quan cho lô hàng, sau khi người này đã thanh toán toàn bộ tiền hàng.

GV – Góp vốn

Ví dụ: Công ty A (Việt Nam) 100% vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu phụ tùng, máy móc thiết bị đã qua sử dụng từ Chủ đầu tư ở Hàn Quốc về tạo tài sản cố định theo hình thức công ty mẹ góp vốn đầu tư (mở tờ khai loại hình A12 tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, nơi công ty A đăng kí), công ty A sẽ không thanh toán trị giá của những phụ tùng, máy móc thiết bị nhập khẩu này.

Tiêu chí phương thức thanh toán trên tờ khai là : “GV”: Góp vốn.

H-D-H – Hàng đổi hàng

Là phương thức thanh toán mà nhà xuất khẩu và nhập khẩu dùng hàng hóa để trao đổi với nhau, hàng hóa là phương tiện thanh toán chính chứ không phải tiền.

Ví dụ: theo thỏa thuận trên hợp đồng giữa hai bên, Công ty A – Việt Nam nhập khẩu máy móc phục vụ cho sản xuất từ Công ty B – Trung Quốc, công ty B không yêu cầu phải thanh toán số tiền mua máy trên. Thay vào đó, công ty A sẽ phải xuất khẩu trả lại cho công ty B sản phẩm do A sản xuất với trị giá hàng hóa xuất tương đương với trị giá máy móc nhập khẩu.

H-T-N – Hàng trả nợ

HPH – Hối phiếu

Hối phiếu là một tờ mệnh lệnh trả tiền vô điều kiện do một người ký phát cho người khác, yêu cầu người này: Hoặc khi nhìn thấy hối phiếu, hoặc tại một ngày cụ thể trong tương lại; hoặc tại một ngày cụ thể có thể xác định trong tương lại, phải trả một số tiền nhất định cho một người nào đó, hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác hoặc trả cho người cầm phiếu.

KHONGTT – Không thanh toán

Thường được sử dụng trong các tờ khai phi mậu dịch hoặc các tờ khai tạm nhập tái xuất liên quan đến sửa chữa còn bảo hành mà không phải thanh toán chi phí sửa chữa …

LC – Tín dụng thư

Thư tín dụng (Letter of Credit – L/C) là thư do ngân hàng phát hành, theo yêu cầu của người nhập khẩu, cam kết với người bán về việc thanh toán một khoản tiền nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định, nếu người bán xuất trình được một bộ chứng từ hợp lệ, đúng theo quy định trong L/C.

LDDT – Liên doanh đầu tư

Là hình thức có vốn góp của nhà đầu tư Việt Nam theo hình thức hợp đồng liên doanh.

OA – Mở tài khoản thanh toán

Ghi sổ (Open Account) là một phương thức thanh toán trong đó nhà xuất khẩu mở một tài khoản ghi nợ những khoản tiền hàng hoá và dịch vụ mà họ cung cấp cho nhà nhập khẩu, nhà nhập khẩu định kỳ thanh toán số tiền phát sinh trên tài khoản bằng chuyển tiền hay bằng séc.

Tham gia phương thức thanh toán này ban đầu chỉ có nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Các ngân hàng không tham gia với chức năng là người mở tài khoản và thực hiện việc thanh toán. Chỉ đến định kỳ thanh toán theo thỏa thuận, nhà nhập khẩu mới thông qua ngân hàng của mình để thanh toán khoản tiền nợ phát sinh cho nhà xuất khẩu. Trong nghiệp vụ thanh toán ghi sổ, chỉ có nhà xuất khẩu mở tài khoản (mở sổ) ghi chép các khoản tiền hàng, nhà nhập khẩu không mở sổ song song, nếu có mở sổ ghi chép thì sổ đó chỉ có giá trị theo dõi chứ không có giá trị thanh quyết toán giữa hai bên.

TTR – Chuyển tiền bồi hoàn bằng điện

Phương thức này được áp dụng trong thanh toán L/C. Nếu L/C cho phép TTR, người xuất khẩu khi xuất trình bộ chứng từ hợp lệ cho ngân hàng thông báo sẽ được thanh toán ngay. NH thông báo sẽ gửi điện đòi tiền cho NH phát hành L/C và được hoàn trả số tiền này trong vòng 3 ngày làm việc kể từ lúc NH phát hành nhận được điện. Bộ chứng từ gửi tới sau.

KC – Khác

Phương thức thanh toán KC trên tờ khai hải quan chỉ các phương thức thanh toán khác, bao gồm cả TT.

Trên đây là các phương thức thanh toán trên tờ khai Hải quan theo thông tư 39 mà bạn nhất định phải nắm rõ. Hy vọng bạn đã có thêm những kiến thức thú vị về Xuất nhập khẩu và Logistics.

Sai phương thức thanh toán trên tờ khai hải quan, phải xử lý ra sao?

Sửa tờ khai trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng

  • Người khai hải quan được khai bổ sung hồ sơ hải quan sau khi Hệ thống phân luồng tờ khai nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan.
  • Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng trước khi thông quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đối với trường hợp này người khai hải  sử dụng phần mềm Ecuss để lấy tờ khai về khai bổ sung thông tin trên Hệ thống, nộp các chứng từ liên quan đến việc khai bổ sung qua Hệ thống hoặc bằng giấy (01 bản chụp).

Trong quá trình kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu cơ quan hải quan kiểm tra phát hiện nội dung khai hải quan và hồ sơ hải quan không phù hợp, người khai hải quan phải thực hiện việc khai bổ sung trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Sửa tờ khai sau khi thông quan

  • Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng trước khi thông quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
  • Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan hoặc sau khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, người khai hải quan, người nộp thuế mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chú ý: Việc khai bổ sung theo quy định tại điểm b, điểm d khoản này chỉ được thực hiện đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, Danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

________________________________________

✍️SUNWAY LOGISTICS

📲 Zalo hỗ trợ: zalo.me/g/emrbbn922

📩 Email: thanhlt@sunwaylogistics.vn

🌎 Website: https://sunwaylogistics.vn

📞Tel/Zalo: 0974855333/0947563919